Tổng hợp từ kết quả nghiên cứu ban đầu của đề tài “Quản lý nhà nước đối với tự chủ đại học: Kinh nghiệm của Trung quốc và khuyến nghị cho Việt Nam” (chủ nhiệm: PGS.TS. Mai Ngọc Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) và đề tài “Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” (Chủ nhiệm: GS.VS. Đào Trọng Thi, Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội).
Lịch sử phát triển vấn đề về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình
Tự chủ đại học (university autonomy) có thể được định nghĩa là mức độ độc lập cần thiết đối với các tác nhân can thiệp bên ngoài mà nhà trường cần có để có thể thực hiện được việc quản trị và tổ chức nội bộ, việc phân bổ các nguồn lực tài chính trong phạm vi nhà trường, việc tạo ra và sử dụng các nguồn tài chính ngoài ngân sách công, việc tuyển dụng nhân sự, việc xây dựng các tiêu chuẩn cho học tập và nghiên cứu, và cuối cùng, là quyền tự do trong việc tổ chức thực hiện nghiên cứu và giảng dạy.
Khi Humboldt thành lập Đại học Berlin vào thế kỷ XVIII đã dựa trên các nguyên lý nền tảng, trong đó có “tự do học tập và tự do giảng dạy” và “đại học cần được tự chủ, không có sự can thiệp của nhà nước”. Các nguyên lý của Humboldt không chỉ là hình mẫu để hình thành đại học ở các nước Châu Âu mà còn với các châu lục khác. Ngày nay, trong luật của hầu hết các quốc gia châu Âu đều có quy định về quyền tự chủ của các trường đại học và quyền tự chủ được coi là một điều kiện tiên quyết, quan trọng cho sự thành công của các trường đại học của Châu Âu.
Humboldt đã đề ra ba nguyên lý cơ bản trong tư tưởng của ông về giáo dục đại học. Đó là: i) Quyền tự chủ của trường đại học; ii) Quyền tự do học thuật; iii) Tính thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu. Những nguyên lý này có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các đại học trên thế giới, trong đó có cả các đại học của Hoa Kỳ, đặc biệt là các đại học nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới.
Tuyên bố “Magna Charta Universitatum” của Liên hiệp các đại học Châu Âu năm 1988 đã khẳng định “trường đại học là một tổ chức tự chủ nằm ở trái tim/trung tâm của mọi xã hội”. Tuyên bố Magna không chỉ có giá trị pháp lý mà còn có giá trị về đạo đức, không chỉ thể hiện tự chủ đại học là gì, mà còn chỉ rõ tự chủ đại học trong đó tự do học thuật là một phần của trường đại học tự chủ “để đáp ứng nhu cầu của thế giới xung quanh, trường đại học nghiên cứu và giảng dạy một cách độc lập về trí tuệ và theo đạo đức đối với tất cả quyền lực kinh tế và chính trị”.
Tính tự chủ của trường đại học được diễn giải khác nhau trong lịch sử do sự phát triển khác nhau của các hệ thống giáo dục đại học: tự chủ là tự do học hỏi của người học, là tự do của người dạy (chủ yếu có liên quan đến giới hàn lâm), là tự do học thuật hay trao quyền tự do cho các thành viên của nhà trường mà không có sự cản trở từ bên ngoài.
Trách nhiệm giải trình (accountability) được hiểu là “trách nhiệm, trách nhiệm giải thích”. Theo các tài liệu về giáo dục đại học, thuật ngữ trách nhiệm giải trình được giải thích như: (i) liên quan trước hết tới những người có thẩm quyền và quy định họ cần thực thi nhiệm vụ của mình như thế nào; (ii) là sự sẵn sàng giải thích các quyết định có kèm theo minh chứng khi được hỏi.
Trách nhiệm giải trình trong trường đại học có nghĩa là những người được giao quyền lực phải chịu trách nhiệm trước một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó, ví dụ: giảng viên phải chịu trách nhiệm trước Ban chủ nhiệm khoa về chuyên môn giảng dạy, Chủ nhiệm khoa phải chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu về quản lý điều hành cấp khoa,…Tùy theo quan hệ giữa nhà nước và nhà trường trong việc trao quyền tự chủ mà các hệ thống giải trình có thể khác nhau: i) Giải trình theo chiến lược đã được phê duyệt; ii) Giải trình theo hợp đồng đã kí kết giữa nhà trường và nhà nước; iii) Giải trình theo quy chế về kết quả hoạt động của nhà trường. Cách giải trình thứ ba phổ biến hơn cả là việc báo cáo định kì theo quy định, trong đó nhà trường giải trình với cơ quan quản lí việc thực thi và hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao.
Yêu cầu chung nhất là xác lập và đảm bảo niềm tin của nhà nước và xã hội đối với trường ĐH khi trường được giao quyền tự chủ trong tổ chức, hoạt động, tài chính và nguồn lực. Việc tiến hành giải trình phải tin cậy, đúng đắn và công bằng, cả phương pháp luận và kết quả phải công khai (UNESCO 1997), (theo Đặng Ứng Vận, 2015).
Các nghiên cứu về mô hình quản trị đại học và tự chủ đại học
Báo cáo tổng quan về xu thế quản trị đại học trên thế giới của World Bank (2008) khái quát bốn mô hình quản trị đại học với các mức độ tự chủ khác nhau: i) mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở Malaysia; ii) mô hình bán tự chủ (semi – autonomous) như ở Pháp và New Zealand; iii) mô hình bán độc lập (semi – independent) ở Singapore, và iv) mô hình độc lập (independent) ở Anh, Úc. Trong mô hình Nhà nước kiểm soát thì cơ sở GDĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định vì những lý do tài chính và thực tiễn, Nhà nước không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của cơ sở GDĐH; và ngay trong mô hình độc lập thì vẫn có những mặc định ngầm về quyền của Nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu tính giải trình cao ở các cơ sở GDĐH.
Neave (1988, 35 – 37) đưa ra một hệ thống phân loại khác về các hình thức tự chủ: 1) mô hình Kant, trong đó nhà nước chỉ can thiệp vào một số vấn đề nhất định; 2) mô hình Humboldt, trong đó vai trò nhà nước là vai trò hỗ trợ; 3) mô hình Napolean, quan niệm rằng vai trò đại học rõ ràng phải phụ thuộc vào nhà nước; và 4) mô hình Anh, trong đó các tập đoàn học giả có tài sản được nhà nước hỗ trợ mà không can thiệp. Với những diễn giải này, sự tham gia của nhà nước có thể có những hình thức khác nhau, từ hệ thống kiểm soát của nhà nước đến sự vắng bóng hoàn toàn về sự kiểm soát, nhưng tiêu điểm ở đây là bảo vệ tự do cá nhân trong việc thực hiện nghề giảng viên và nhà nghiên cứu (theo dịch giả Vũ Thị Phương Anh).
Các nghiên cứu về nội dung tự chủ đại học
Hiệp hội Đại học châu Âu đã chỉ ra bốn yếu tố cần thiết giúp cho trường đại học có khả năng ra quyết định về các vấn đề của mình trong Tuyên bố Lisbon (2007), bao gồm tự chủ về cơ cấu, tổ chức, quy trình ra quyết định lựa chọn Hiệu trưởng/người đứng đầu, Hội đồng quản trị/Hội đồng trường; tự chủ tài chính; tự chủ về học thuật (đào tạo và khoa học công nghệ); tự chủ về nguồn nhân lực là việc tự quyết định tuyển dụng và điều hành nguồn nhân lực sao cho phù hợp với lợi ích của trường.
Về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, tổ chức AUCC (Canada) đã đề xuất một danh sách tự chủ đại học gồm các quyền lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ; lựa chọn, xét tuyển và kỉ luật sinh viên; thiết lập và kiểm soát chương trình đào tạo; ban hành các quy định tổ chức để triển khai hoạt động khoa bảng; xây dựng chương trình và nguồn tài nguyên bổ trợ trực tiếp; xác nhận hoàn tất chương trình và cấp phát văn bằng. Có vẻ như khái niệm này có quá nhiều khía cạnh mà mỗi người ở một góc nhìn khác nhau lại có một sự nhấn mạnh khác nhau. Điều này đã được khẳng định trong phát biểu sau của Ủy ban Châu Âu (European Commission): “cần thiết phải diễn giải khái niệm tự chủ trong trường ĐH bao gồm những gì trong xã hội hiện đại, xét về nội hàm (pháp lý, tài chính) của khái niệm này cũng như xét về các bộ phận và tác nhân có liên quan”.
Theo Anderson và Johnson, khái niệm tự chủ đại học bao gồm 7 thành phần hay lĩnh vực hoạt động sau: 1) : tuyển dụng, thăng tiến, tư cách cán bộ giảng dạy và cán bộ hành chính cấp cao: tuyển sinh, tiến trình học tập, kỷ luật; 3) : phương pháp, thi/kiểm tra, nội dung, giáo trình; 4) : tiêu chuẩn bằng cấp, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và kiểm định; 5) : đào tạo sau đại học, ưu tiên cho đề tài nghiên cứu, tự do xuất bản; 6) : các hội đồng, phòng ban, hội sinh viên; 7) : ngân quỹ, chi phí vận hành, chi phí thiết bị vật tư, công việc thời vụ, nguồn quỹ ngoài ngân sách, các quy định trách nhiệm.
Khi so sánh giữa các quốc gia, có thể thấy mức độ tự chủ không giống nhau. Ở các nước có độ tự chủ cao, sự kiểm soát của chính phủ chỉ tồn tại ở các lĩnh vực 4 (các tiêu chuẩn chuyên môn) và 7 (hành chính và tài chính). Tại các nước có độ tự chủ trung bình, sự kiểm soát của chính phủ có thể tăng thêm ở các lĩnh vực 3 (chương trình đào tạo và hoạt động giảng dạy) và 6 (điều hành). Trong khi đó, ở các nước có độ tự chủ thấp, chính phủ có quyền can thiệp vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của trường đại học.
Tự chủ đại học ở Châu Âu
Nội dung tự chủ đại học của Châu Âu được mô tả trong Khung phân tích về tự chủ đại học của Hiệp hội các trường đại học châu Âu (European University Association). Theo khung phân tích này, tự chủ đại học được mô tả trong bốn nội dung với từng loại công việc cụ thể mà mỗi trường đại học phải tiến hành: 1) Tổ chức bộ máy (Org.), 2) Tài chính (Fin.), 3) Nhân sự (Sta.), 4) Học thuật (Acad.). Hiệp hội các trường đại học Châu Âu cũng nhấn mạnh rằng, Tổ chức, Nhân sự và Tài chính là những điều kiện quan trọng để thúc đẩy tự chủ trong các hoạt động khác của trường đại học.
Về tổ chức bộ máy: Ở Châu Âu, trong khi vấn đề học thuật và cơ cấu tổ chức phần lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học, thì vấn đề quản trị và lãnh đạo trường thường do chính phủ quy định. Việc sử dụng cấu trúc quản lý kép ở các trường đại học Châu Âu ngày càng phổ biến. Các bên liên quan ngày càng tham gia nhiều vào cơ chế quản trị của các trường đại học, và đặc biệt có các trường đại học có nhiều cơ quan quản lý, nghĩa là các bên liên quan bên ngoài có thể có một vai trò đầy đủ trong quá trình ra quyết định. Sự chuyển hướng tới một nhà lãnh đạo cấp CEO tại một số nước Tây Âu dường như đi cùng với một sự tự chủ cao hơn trong quản lý và cơ cấu. Tại một số quốc gia, nhóm quản lý điều hành nhỏ bao gồm Hiệu trưởng và các thành viên khác của ban lãnh đạo cấp cao được coi là một cơ quan quyền lực.
Tự chủ về nhân sự: Sự tham gia của các cơ quan nhà nước trong các vấn đề nhân sự bao gồm từ việc xác định (trực tiếp hoặc gián tiếp) mức lương cho cán bộ giảng viên trường đại học, mặc dù hầu hết các trường đại học có thể xác định chi phí chung của họ. Mặc dù có xu hướng chung về cắt giảm nhân sự, nhưng đa số các quốc gia vẫn duy trì số lượng cán bộ giảng viên nhiều.
Tự chủ về tài chính: Theo Báo cáo về tự chủ đại học ở Châu Âu, đối với nguồn tài chính công có xu hướng được phân bổ như các khoản tài trợ theo khối, thường dựa trên hoặc kèm theo các tiêu chí hoặc chỉ tiêu hoạt động. Các trường đại học được phép thu phí từ ít nhất một bộ phận sinh viên của họ, và có nhiều mức học phí. Các trường đại học phải đối mặt với một số hạn chế khi hoạt động trên thị trường tài chính; vay mượn là tương đối phổ biến nhưng việc đầu tư và huy động tiền là các hoạt động chủ yếu mở cho các chi nhánh “vệ tinh” của các trường đại học chứ không phải cho chính trường đại học. Quyền sở hữu đất đai và nhà cửa khá đa dạng và phụ thuộc phần lớn vào văn hóa, truyền thống quốc gia.
Tự chủ về học thuật: Các quy trình như quy trình Bologna và Khung châu Âu đã có tác động mạnh mẽ đến nhiều vấn đề liên quan đến tự chủ học thuật. Vấn đề tuyển sinh đầu vào của sinh viên được quy định chặt chẽ, bằng cách thiết lập khuôn khổ cho việc nhập học, hoặc giới hạn số lượng sinh viên vào các ngành cụ thể. Nhiều quốc gia áp dụng các hạn chế trực tiếp (như đặt định mức sinh viên) thay vì chỉ đạo gián tiếp bằng các biện pháp khuyến khích.
Tự chủ đại học ở Trung Quốc
Tự chủ về nhân sự và bộ máy: Từ khi thực hiện cải cách trong quản lý giáo dục đại học ở Trung Quốc được thực hiện năm 1985, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Bí thư đảng uỷ trường là những chức vụ do cơ quan chủ quản trường đại học trực tiếp bổ nhiệm (các trường đại học hàng đầu thuộc Dự án 985 không có tình trạng Bí thư và Hiệu trưởng trường đại học do một người đảm nhận). Luật Giáo dục đại học (2015) khẳng định các vị trí lãnh đạo tối cao của nhà trường do cơ quản chủ quản bổ nhiệm. Các vị trí quản lý còn lại của nhà trường do hiệu trưởng nhà trường quyết định dưới sự lãnh đạo về tư tưởng chính trị của đảng uỷ trường.
Hội đồng khoa học quyết định về chương trình đào tạo, môn học và các kế hoạch nghiên cứu khoa học của trường; tuy nhiên chưa xác định số lượng tối thiểu về thành viên của Hội đồng khoa học.
Mặc dù Hiệu trưởng được chủ động trong việc thành lập, sáp nhập và giải thể khoa, phòng ban; tuy nhiên có một số phòng ban, trung tâm bắt buộc phải được duy trì ở trường đại học như: Hội đồng khoa học, Hội đồng đánh giá giảng viên, Hội đồng học vị… Lãnh đạo khoa, phòng ban và giảng viên ký hợp đồng lao động có thời hạn với trường đại học bắt đầu từ năm 1999 và từ năm 2003 ngoại trừ nhóm đối tượng công chức, giảng viên phải ký hợp đồng lao động với nhà trường. Ban tuyển dụng ở trường đại học do Hiệu trưởng đứng đầu và chỉ tham gia đề xuất còn quyết định tuyển dụng do phòng Tổ chức đảm nhiệm.
Đến năm 2014, Bộ Giáo dục nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mới ban hành Quy định thí điểm thành lập Hội đồng trường đại học (Quyết định 37 năm 2014). Quyết định 37/BGD-2014 nhấn mạnh Hội đồng trường do trường đại học thành lập. Theo quy định này Hội đồng trường có tối thiểu 21 thành viên; thường hoạt động với nhiệm kỳ 5 năm; quy chế, chương trình làm việc của Hội đồng trường do nhà trường xây dựng. Bên cạnh các vai trò như tham gia đánh giá chất lượng quản trị đại học, đánh giá chất lượng đào tạo, phát triển hợp tác xã hội và thu hút tài trợ cho ngân sách trường; Hội đồng trường còn tham gia dự thảo hoặc sửa đổi quy định quan trọng của nhà trường … Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của trường đại học chưa được thể chế hoá trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2015.
Tự chủ về học thuật: Từ năm 1978, Hội đồng khoa học được thành lập ở tất cả các trường đại học, đã tạo điều kiện để các trường đại học phát triển các chương trình học thuật nhằm giải quyết bài toán lao động, góp phần định hướng xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Năm 1983, Trung Quốc bắt đầu thảo luận về trao quyền tự chủ cho các trường đại học (tự chủ trong tuyển sinh, giảng dạy, chi tiêu, tuyển dụng giáo viên, hợp tác quốc tế), đến năm 1985 quyết định “Cải cách hệ thống Giáo dục” do Uỷ Ban Trung ương Đảng Cộng sản ban hành cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở rộng quyền tự chủ và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong giáo dục.
Trước năm 1988 toàn bộ chương trình học và sách giáo khoa ở các trường đại học đều do chính quyền trung ương quản lý. Quá trình thực hiện đổi mới, trao quyền tự chủ cho các trường đã tạo điều kiện để các trường đại học đa dạng hoá việc lựa chọn chương trình đào tạo và sách phục vụ đào tạo trên khung tham chiếu của Bộ giáo dục. Các Khoa chủ động thiết kế chương trình đào tạo trình Hội đồng khoa học trường ra quyết định, trong đó những môn học liên quan đến đường lối chính trị, an ninh quốc phòng, giáo dục thể chất, tiếng Anh là những môn bắt buộc trong khung chương trình đào tạo đối với sinh viên Trung Quốc.
Các trường đại học Trung Quốc có thể tự mở các chương trình đào tạo ở hai loại đầu tiên được liệt kê trong CUP 2012 (1) các chương trình cơ sở; 2) các chương trình phục vụ nhu cầu phát triển quốc gia) không cần sự phê duyệt của chính phủ, mà chỉ cần sự phê chuẩn của hội đồng khoa học cấp trường và công bố công khai quyết định trực tuyến trong vòng 1 tháng. Sau đó các trường đại học sẽ gửi văn bản cho cơ quan chính phủ có thẩm quyền để xác nhận với mục đích để cơ quan thẩm quyền chắc chắn rằng thông tin như thông tin về chương trình được thông bố của các trường là chính xác. Nếu không có thông tin sai lệch, văn bản sẽ được trình tới Bộ Giáo dục để xử lý. Tuy nhiên, mở các chương trình đào tạo dạng thứ 3 (chương trình giảng dạy về an ninh và y tế,..) ngoài CUP 2012 vẫn phải được Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh các chương trình đào tạo cử nhân sử dụng hai ngôn ngữ Anh-Trung, nhiều trường đại học ở Trung Quốc tiến hành tự đào tạo cử nhân Tiếng Anh hoặc kết hợp với các trường đại học hàng đầu ở Mỹ và Châu Âu… tiến hành đào tạo cấp bằng cử nhân cho sinh viên mà chỉ cần báo cáo với Bộ Giáo dục.
Mặc dù được tự do trình bày, trao đổi các vấn đề khoa học tự nhiên, nhưng những nội dung khoa học có liên quan đến chính trị đang bị nhà nước kiểm soát tương đối chặt chẽ.
Mặc dù thực hiện kiểm soát chính trị, tư tưởng sinh viên trong nước thông qua hệ thống những môn học bắt buộc về chính trị, Chính phủ Trung Quốc cho phép cơ sở giáo dục đại học chủ động xây dựng những môn học lựa chọn thay thế những học phần này cho sinh viên quốc tế.
Bảng: Sự chủ động của cơ sở giáo dục đại học trong phát triển chương trình đào tạo bậc đại học ở nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa
Tự chủ về tuyển sinh: Sau thời kỳ Cách mạng Văn hoá, phương thức tuyển sinh đại học một năm một lần được Quốc vụ viện khôi phục (năm 1977), các trường đại học thực hiện tuyển sinh theo “Hướng dẫn cho thực hiện kỳ thi tuyển sinh đại học” do Bộ Giáo dục ban hành năm 1978.
Năm 1985, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản ban hành ”Quyết định về cải cách Hệ thống giáo dục” cho phép các trường đại học được tự chủ cải cách tuyển sinh. Năm 1998, Luật giáo dục đại học khẳng định các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh.
Mặc dù được tự chủ trong xác định chỉ tiêu và phương án tuyển sinh, các trường đại học công lập của Trung Quốc bị phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh theo hộ khẩu. Việc tuyển chọn sinh viên nhập học ở những trường công lập không chỉ dựa trên điểm sàn của trường, mà còn dựa vào chỉ tiêu của Bộ Giáo dục phân bổ cho từng tỉnh; các trường đại học phải công bố chỉ tiêu đối với từng tỉnh trước kỳ thi tuyển sinh đại học.
Hệ thống môn thi vào đại học được xác định theo mô hình 3+X, trong đó 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và tiếng Anh; X đại diện cho môn xã hội tích hợp hoặc môn khoa học tự nhiên tích hợp. Bên cạnh việc thực hiện đề thi chung toàn quốc, một số tỉnh thành phố (Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Giang Tô, Chiết Giang) được chính phủ giao thí điểm tự chủ hoàn toàn về đề thi, một số tỉnh thành được tự chủ một phần về đề thi (Hải Nam, Sơn Đông, Quảng Đông, Tứ Xuyên).
Từ năm 2008, 52 trường đại học được Bộ Giáo dục cho phép thí điểm tuyển sinh xét tuyển đối với những thí sinh không tham gia kỳ thi vào tháng 6 mà chỉ cần có thư giới thiệu và minh chứng đủ điều kiện trúng tuyển.
Tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập: Năm 1979, mặc dù ngân sách hoạt động của nhà trường vẫn nhận từ nhà nước, tuy nhiên các trường đại học công lập do Bộ quản lý được ngân sách trung ương tài trợ cho toàn bộ hoạt động, các trường đại học công lập do địa phương quản lý được đảm bảo tài chính cho hoạt động từ ngân sách địa phương. Đầu tư ngân sách nhà nước đối với các trường đại học công lập khác nhau phụ thuộc vào mức độ ưu tiên, điều kiện vùng miền, mức độ tham gia của khu vực tư nhân trong cung ứng giáo dục đại học.
Năm 1985, Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua Quyết định về Cải cách hệ thống giáo dục năm 1985, theo đó các trường đại học được chủ động gia tăng nguồn thu ngoài ngân sách.
Từ năm 1986, các trường đại học được thu học phí đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt; năm 1989 ngoại trừ một số chuyên ngành đặc thù, các sinh viên đại học phải đóng học phí; năm 1997 tất cả sinh viên theo học đại học phải đóng học phí. Nguồn thu ngoài ngân sách từ học phí của các trường đại học được luật hoá theo Luật Giáo dục đại học năm 1998. Mức học phí do nhà trường xác định theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước, nhà trường và người học; mức học phí không đồng nhất giữa các vùng, các trường và các ngành học. Những đối tượng chính sách được chính quyền trung ương, địa phương chi trả học phí.
Hiện nay, các trường đại học chỉ nhận được đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đối với (i) Cải thiện hoạt động của trường đại học, (ii) Cải cách phương pháp giảng dạy và đào tạo, (iii) Phát triển nghiên cứu khoa học, (iv) Thúc đẩy trường đạt đẳng cấp quốc tế, (v) Thúc đẩy sự tài trợ từ khu vực tư nhân, (vi) Đẩy mạnh hoạt động quản trị nhà trường. Mức đầu tư ngân sách nhà nước vào các trường đại học là khác nhau. Các trường được chính phủ lựa chọn đầu tư nhận được kinh phí từ ngân sách nhà nước nhiều hơn nhóm trường còn lại. Các khoản đầu tư tập trung vào các phòng thí nghiệm, và thúc đẩy trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế…
Nguồn thu từ hoạt động phục vụ xã hội của trường đại học được luật hoá. Chính phủ chủ động đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm trọng điểm ở các trường đại học danh tiếng, tạo điều kiện thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp do trường đại học quản lý. Luật bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ cũng tạo điều kiện khuyến khích đối với các trường đại học. Founder Group đã mang lại khoảng 61.8 tỷ NDT cho Đại học Bắc Kinh năm 2012; 94 trường đại học tham gia Dự án Hoả Cự đã tạo ra 132 000 việc làm và thu được 20.67 tỷ NDT năm 2012. Doanh nghiệp thuộc các trường 211, 985 thành công hơn nhiều lần so với nhóm còn lại…
Nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trả lương và thù lao đối với cán bộ công nhân viên được trường tuyển dụng. Thu nhập của cán bộ, giảng viên trường đại học được xác định từ hai nguồn (i) tiền lương cố định dựa trên học hàm, học vị, số năm công tác, cũng như vị trí quản lý… (ii) tiền lương biến đổi phụ thuộc vào mức chi trả phúc lợi của nhà trường cho cán bộ giảng viên, bao gồm: thưởng công bố nghiên cứu khoa học, phụ cấp, vượt giờ…
Các trường đại học phải dành 4-6% nguồn thu để hỗ trợ sinh viên thuộc diện chính sách theo Quy định của Bộ Giáo dục.
Từ khi thực hiện tự chủ, để có nguồn vốn đầu tư phát triển trường, lớp nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong điều kiện hạn chế về đầu tư ngân sách nhà nước, các trường đại học (công lập và tư thục) được chính quyền địa phương cho phép sử dụng đất làm tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn. Trong một số trường hợp chính quyền địa phương không chỉ đứng ra bảo lãnh vay mà còn hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay cho đầu tư xây dựng trường đại học.
Tự chủ về quản lý tài sản: Quản lý tài sản của các trường công lập trực thuộc Bộ Giáo dục thực hiện theo quan điểm “Nhà nước thống nhất sở hữu, Bộ Tài chính quản lý tổng hợp, Bộ Giáo dục quản lý giám sát, các trường quản lý cụ thể”.
Để chuẩn hóa tài quản lý tài sản của các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục, Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Tài chính (2013) ban hành Quy định tạm thời về “Quản lý tài sản nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục” nhằm đảm bảo sự an toàn và toàn vẹn tài sản nhà nước, tăng giá trị của tạm thời quản lý tài sản nhà nước dựa trên “Luật Công ty”, “Luật tài sản công ty nhà nước”, “Luật ban hành các biện pháp tạm thời quản lý tài sản nhà nước của các đơn vị sự nghiệp”, “Luật ban hành tạm thời các biên pháp quản lý tài sản nhà nước của các trường đại học trực thuộc Bộ giáo dục” và các luật khác, cùng các quy định có liên quan đến quản lý tài sản nhà nước. Theo quy định này, có 5 điểm lớn mà các cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục khi sử dụng tài sản nhà trường phải tuân thủ và xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính, như: i) sử dụng tài sản nhà trường phục vụ kinh doanh; ii) các tài sản mà nhà trường thuê, mượn từ nhà nước; iii) việc xử lý tài sản kinh doanh; iv) bán và chuyển nhượng tài sản và v) các khoản góp vốn và đầu tư
Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Hoàn thiện Luật Giáo dục đại học của Việt Nam sửa đổi theo hướng kết cấu lại các chương từ 1 đến 12 để làm rõ các nội dung:
- Những quy định chung: cần làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo dục đại học; hệ thống giáo dục đại học (công lập, tư thục, không vì mục tiêu lợi nhuận, lợi nhuận; …); các trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học; ngôn ngữ dùng trong giáo dục đại học; cơ hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục đại học của cá nhân tổ chức trong và ngoài nước; quyền của người dân được tham gia vào hệ thống này và trách nhiệm của nhà nước trong phát triển giáo dục đại học, và cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương.
- Cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học: cần làm rõ bộ máy của các cơ sở giáo dục đại học theo cơ cấu ban giám đốc và ban giám hiệu; bộ máy của cơ sở giáo dục đại học có hội đồng trường và hội đồng quản trị; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng/Giám đốc, Bí thư, Chủ tịch hội đồng trường; phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học.
- Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học: nên kết hợp chương 3, 4, 5, 6, 7 trong Luật Giáo dục đại học hiện hành và không nên để trách nhiệm của nhà nước trong phát triển các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học ở đây; bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (chương 7) nên được nhìn nhận là một hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; còn kiểm định chất lượng giáo dục đại học nên đưa vào hợp phần quản lý nhà nước.
- Tài chính, tài sản đối với các cơ sở giáo dục đại học: cần làm rõ các quy định về quản lý tài chính, quản lý và sử dụng tài sản của từng các loại hình trường (công lập, tư thục; lợi nhuận, không lợi nhuận…); bổ sung các thông tư hướng dẫn cụ thể bên cạnh Luật giáo dục đại học.
- Cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học; Người học; Điều khoản thi hành: đồng tình với những dự kiến điều chỉnh, sửa đổi trong Luật Giáo dục đại học.
- Quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học: Cần quy định rõ hơn về vai trò, chức năng quản lý nhà nước chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quản lý, phát triển hệ thống giáo dục đại học. Thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học; đình chỉ hoạt động đào tạo là một trong những nội dung của quản lý nhà nước đối với phát triển giáo dục đại học, theo đó cần làm rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để thành lập cơ sở giáo dục đại học; kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, việc thành lập mới một cơ sở giáo dục đại học phải đảm bảo tối thiểu 3 lĩnh vực đào tạo; diện tích tối thiểu của một sơ sở giáo dục đại học là trên 12 ha ở khu vực đô thị; số giảng viên cơ hữu tối thiểu; số đầu sách phục vụ giảng dạy và nghiên cứu… Nếu không đưa vào trong Luật giáo dục sửa đổi thì cũng cần có thông tư hướng dẫn cụ thể đối với các tiêu chuẩn về thành lập; đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính về ban hành, sửa đổi cơ chế chính sách thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam trong giai đoạn tới
- Nhanh chóng ban hành Nghị định về tự chủ đại học thay thế cho Nghị quyết số 77/NQ-CP.
- Trong một số ngành, lĩnh vực đặc thù, Chính phủ cần ban hành danh mục được nhà nước đảm bảo ngân sách đào tạo nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
- Triển khai, hướng dẫn thực hiện phương thức nhà nước đặt hàng đào tạo, từng bước tiến tới thực hiện phương thức đấu thầu đào tạo từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước nhằm tạo lập sân chơi cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH.
- Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/08/2004 của Bộ Tài chính theo hướng thành lập Ban kiểm soát tài chính trực thuộc HĐT, nhân sự do HĐT bổ nhiệm.
- Xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng các nguồn tài chính huy động được và các nguồn thu khác, đồng thời xác định những khoản cần đóng thuế, những khoản không cần đóng thuế. Xây dựng và hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở GDĐH.
- Tiến hành việc giao tài sản cho các trường theo qui định của Luật số 09/2008/QH về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để nhà trường có thể chủ động trong việc liên doanh, liên kết, góp vốn với các đơn vị, tổ chức khác. Hình thành công ty quản lý vốn nhà nước tại các cơ sở GDĐH công lập để bảo toàn vốn tại các cơ sở giáo dục công lập.
- Điều chỉnh mức thu học phí với mục tiêu là học phí tiến tới bù đắp được chi phí đào tạo cần thiết để đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu đặt ra; chuyển học phí từ danh mục tính phí sang tính giá dịch vụ.