Nội dung phối hợp công tác giữa Tổng cục GDNN và VCCI được thực hiện theo quy định của Luật GDNN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tập trung vào những nội dung chính sau: (1) Phối hợp trong xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; đề xuất xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đào tạo gắn với doanh nghiệp; (2) Phối hợp trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, thí điểm thành lập các hội đồng kỹ năng ngành trong một số lĩnh vực; (3) Phối hợp thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quyền và trách nhiệm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; (4) Tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy, kỹ năng tổ chức, quản lý đào tạo cho người dạy tại doanh nghiệp; (5) Phối hợp thực hiện trong các hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật về GDNN; khen thưởng kịp thời những doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thành tích tốt trong hoạt động GDNN; (6) Phối hợp tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về GDNN theo quy định của pháp luật; (7) Hỗ trợ vận động nguồn lực thúc đẩy gắn kết doanh nghiệp với cơ sở GDNN
VCCI và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc trong việc phối hợp, thống nhất triển khai nội dung Chương trình.
Hai đơn vị sẽ cùng phối hợp định kỳ hàng năm, tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình, điều chỉnh, bổ sung những nội dung phối hợp cho phù hợp với từng năm; 3 năm/lần tiến hành tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện phối hợp, rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân mong muốn VCCI ủng hộ và phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc triển khai tổ chức hội nghị tiếp xúc, xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp.
“Năm 2018 là năm trọng tâm đổi mới về GDNN. Bộ LĐ-TBXH luôn coi doanh nghiệp là trọng tâm, doanh nghiệp không chỉ tham gia vào việc tuyển dụng, xây dựng giáo trình, chương trình… mà còn cung cấp nguồn lực để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức triển khai, đội ngũ nhân lực để tham gia giảng dạy cũng như cung cấp các trang thiết bị tiên tiến. Mục tiêu của Bộ là tới năm 2030 có 40% cơ sở giáo dục nghề nghiệp là tư thục; cho phép doanh nghiệp đảm nhận tới 40% chương trình đào tạo khung…”– Thứ trưởng Lê Quân nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng VCCI với vài trò quan trọng trong việc kết nối với các hiệp hội, phòng thương mại các nước có đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… Vì vậy, Bộ LĐ-TBXH mong muốn VCCI là cầu nối kết nối với với các doanh nghiệp FDI với các cơ sở GDNN về vấn đề nhân lực, đặt hàng để phối hợp đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Viêt Nam.
Thứ trưởng Lê Quân và Chủ tịch VCCI chứng kiến Lễ ký kết giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN
Tại Lễ ký kết, với một niềm tin, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc mong muốn chương trình phối hợp này sẽ là mẫu hình hợp tác giữa VCCI với một bộ, ngành trong việc thúc đẩy một lĩnh vực cụ thể và quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Việt Nam.
“Tài nguyên lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam không phải là dầu mỏ, vị trí địa chính trị hay kinh tế mà là nguồn lao động trẻ, dân số trẻ. Nếu được đào tạo tốt sẽ là một lợi thế của nền kinh tế Việt Nam nhưng nếu đào tạo không tốt sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam. Sứ mệnh của chúng ta là biến cái lợi thế của nền kinh tế Việt Nam trở thành một đòn bẩy đưa Việt Nam cất cánh. Do vậy sứ mệnh đào tạo nghề sẽ là gánh nặng đặt lên vai Bộ LĐ-TBXH, của các doanh nghiệp và các đối tác khác có liên quan đến lĩnh vực này” – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh
Cũng tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN.