PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Trọng tâm của Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học

Việc xây dựng lại chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa đang trở thành tâm điểm của nhiều diễn đàn liên quan đến giáo dục. Để góp thêm tiếng nói vào vấn đề này, VHNA đã trao đổi với PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính, Phó Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Thành viên Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.

PV: Khi tiến hành xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới nghĩa là chúng ta đã phát hiện ra nhiều vấn đề hạn chế của hệ thống giáo dục phổ thông hiện hành. Vậy xin ông nói rõ hơn, đó là những hạn chế gì?

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng: Để tiến hành xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã phân tích một số điểm hạn chế cơ bản của chương trình và sách giáo khoa hiện hành: Thứ nhất, đây vẫn là chương trình và sách giáo khoa theo mô hình truyền thống, tập trung vào cung cấp kiến thức cho học sinh mà chưa quan tâm thỏa đáng đến việc giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực. Do theo đuổi mục tiêu cung cấp kiến thức nên việc đưa kiến thức vào khung chương trình có xu hướng coi trọng mặt lượng mà chưa chú trọng khai thác, vận dụng kiến thức, nên kiến thức đưa vào thì nhiều và nặng nhưng hiệu quả giáo dục lại thấp. Trong khuôn khổ mô hình chương trình và sách giáo khoa chú trọng kiến thức, phương pháp giáo dục chủ yếu là truyền thụ, áp đặt kiến thức cho người học. Cách kiểm tra đánh giá cũng tập trung vào việc đo lường khả năng ghi nhớ kiến thức. Thứ hai, chương trình và sách giáo khoa hiện hành thiếu tính phân hóa và chưa khai thác được ưu thế của tích hợp. Trong dạy học chính khóa (do chương trình quốc gia quy định), tất cả học sinh cả nước từ lớp 1 đến lớp 12 đều học cùng các môn học với nội dung và thời lượng gần như nhau. Nội dung chương trình của các môn chưa được kết nối để học sinh có cơ hội vận dụng tích hợp các kiến thức và kỹ năng của nhiều môn học, lĩnh vực giáo dục nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Dĩ nhiên, hạn chế của hệ thống giáo dục phổ thông không chỉ nằm ở chương trình và sách giáo khoa. Đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục phổ thông cũng không thể chỉ giới hạn trong khuôn khổ đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Nhưng đánh giá hiện trạng và xác định hướng đổi mới thì ngoài chất lượng của đội ngũ giáo viên, chương trình và sách giáo khoa là những yếu tố then chốt.

PV: Điểm cốt lõi nhất để phân biệt giữa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành với chương trình giáo dục phổ thông mới là gì, thưa ông?

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng: Trước hết là sự khác biệt thể hiện qua mục tiêu giáo dục của chương trình và cách tiếp cận để đạt đến mục tiêu đó. Thay vì chú trọng cung cấp kiến thức cho người học, chương trình mới đặt ra mục tiêu giúp người học hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực. Cách tiếp cận bắt đầu từ mục tiêu đòi hỏi người xây dựng chương trình tiến hành các bước theo “sơ đồ ngược” (back mapping). Quy trình này được bắt đầu từ phân tích bối cảnh và xu thế phát triển của thế giới và đất nước để xác định nhu cầu phát triển và nhu cầu nguồn nhân lực.  Từ nhu cầu nguồn nhân lực mà xác định mục tiêu giáo dục. Đến lượt mình, mục tiêu giáo dục sẽ là một căn cứ quan trọng để xác định hệ thống môn học, thời lượng các môn học và lựa chọn, khai thác kiến thức trong các môn học. Cách tiếp cận xuất phát từ mục tiêu không hề coi nhẹ vai trò của kiến thức nhưng coi kiến thức là phương tiện chứ không phải là mục tiêu giáo dục. Vì vậy việc lựa chọn và khai thác kiến thức phải dựa vào mục tiêu giáo dục bên cạnh logic của lĩnh vực khoa học đặt nền tảng cho môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. Mục tiêu giáo dục cũng sẽ quy định cả phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá kết quả học tập.

Một điểm khác biệt cơ bản nữa là chương trình mới phân chia quá trình giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Tính phân hóa của chương trình thể hiện rõ nét ở các học phần phân hóa trong các môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 và các môn học lựa chọn và chuyên đề tự chọn từ lớp 10 đến lớp 12. Ngoài ra, quan điểm tích hợp được quán triệt sâu sắc hơn, chứ không chỉ là lắp ghép các môn học.

PV: Mục tiêu giáo dục sẽ quy định đến cả nội dung và phương pháp giáo dục. Vậy xin ông hãy nói rõ hơn về mục tiêu của giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi xây dựng chương trình có đặt ra thứ tự ưu tiên cho các năng lực chủ yếu thể hiện mục tiêu này không?

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng: Giúp học sinh hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi là sự cụ thể hóa của mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Các phẩm chất chủ yếu gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực cốt lõi gồm: năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực chuyên môn (năng lựcngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất). Tất cả các phẩm chất và năng lực này đều là những mục tiêu ưu tiên và đều cần thiết cho người học, cho sự phát triển hài hòa của một con người. Tuy nhiên, trong từng môn học cụ thể, tùy theo đặc trưng của mình mà những phẩm chất và năng lực nhất định được nhấn mạnh hay chú trọng hơn, chẳng hạn những môn học như Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân,… có ưu thế trong việc giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất yêu nước, nhân ái, nhưng các môn học như Toán, Khoa học tự nhiên,… lại có ưu thế trong việc giúp học sinh trở nên cẩn thận, chăm chỉ hơn.

PV: Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là vấn đề quan trọng và cũng chịu nhiều áp lực. Là người tham gia chủ chốt, xin ông chia sẻ những áp lực đã gặp phải trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông cùng các đồng nghiệp đã vượt qua áp lực này như thế nào?

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng: Áp lực đầu tiên là từ nhận thức về công việc và trách nhiệm của bản thân mình. Chương trình giáo dục ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đến nguồn nhân lực, đến sự phát triển của nhiều thế hệ, và cũng là việc hệ trọng của một đất nước, vì giáo dục được coi là quốc sách. Áp lực thứ hai đến từ sự kỳ vọng của xã hội. Nếu đổi mới giáo dục thất bại thì sẽ đánh mất niềm tin của xã hội và cơ hội phát triển của đất nước, nên chỉ được phép thành công, vấn đề là thành công đến mức nào. Đặc biệt, trong bối cảnh gần 20 năm qua chúng ta đã tiến hành nhiều đổi mới giáo dục nhưng kết quả mang lại còn chưa được như mong muốn nên nhiều người dân thiếu niềm tin vào đổi mới. Nhiều người coi việc đổi mới giáo dục giờ chỉ gây phiền hà cho giáo viên và học sinh cũng như gây tốn kém ngân sách nhà nước. Công luận, truyền thông cũng luôn tạo ra sức ép với những người tham gia xây dựng chương trình giáo dục. Áp lực thứ ba là phải đổi mới căn bản giáo dục trong điều kiện thực tiễn của đất nước. Điều dễ thấy là năng lực và điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ. Ngoài ra, tiến độ công việc cũng gây nhiều áp lực cho người tham gia xây dựng chương trình mới vì phải hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ trong một thời gian ngắn. Ngoài việc xây dựng chương trình tổng thể và 19 chương trình các môn học, chúng tôi phải liên tục báo cáo, giải trình với các cơ quan chức năng và công luận những việc chúng tôi đang làm, phải tiến hành khảo sát thực nghiệm để đánh giá tác động của chương trình giáo dục phổ thông mới, phải tiến hành nhiều hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn,…

PV: Các cuộc cải cách giáo dục trước đây đều quan tâm nhiều đến sách giáo khoa. Và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Việc biên soạn sách giáo khoa cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có lộ trình cụ thể. Ông có thể chia sẻ về lộ trình này được không? Việc biên soạn sách giáo khoa lần này có điểm gì khác trước, thưa ông?

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì tháng 9/2018 phải có sách giáo khoa lớp 1, lớp 6 và lớp 10, sau đó tiếp tục theo hình thức cuốn chiếu từng lớp qua các năm. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề phát sinh nên tiến độ bị chậm lại và vừa qua Quốc hội đã cho phép chương trình và sách giáo khoa mới được triển khai chậm tối đa 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có kế hoạch khẩn trương để chỉ giãn tiến độ 1 năm. Từ 2019 sẽ bắt đầu có sách giáo khoa lớp 1 mới và hàng năm sẽ hoàn thành sách giáo khoa các lớp tiếp theo, cụ thể: 2020 cho lớp 2, lớp 6; 2021 cho lớp 3, lớp 7, lớp 10; 2022 cho lớp 4, lớp 8, lớp 11; 2023 cho lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Về biên soạn sách giáo khoa thì có hai điểm mới cần nhấn mạnh. Thứ nhất, sách giáo khoa sẽ phải được biên soạn theo mô hình phát triển năng lực. Theo đó, phải giảm khối lượng kiến thức, gắn kiến thức với đời sống thực tế và khai thác kiến thức một cách hợp lý để giúp học sinh hình thành và phát triển hiệu quả các phẩm chất và năng lực. Sách giáo khoa mới cũng phải tạo cơ hội cho học sinh được học với tư cách là chủ thể năng động, tích cực, làm chủ được hoạt động học của chính mình. Thứ hai, trên cơ sở một chương trình quốc gia sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau để giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh lựa chọn. Điều đó giúp cho nhiều tổ chức, cá nhân có cơ hội tham gia biên soạn sách giáo khoa, tạo ra môi trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng sách dùng trong nhà trường.

PV: Sách giáo khoa là công cụ, con người mới là nhân tố giữ vai trò quyết định. Vậy thưa ông, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của các giáo viên có gì thay đổi so với chương trình giáo dục hiện hành không và nếu có thì thay đổi như thế nào?

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Giáo viên là một trong những nhân tố mang tính quyết định của giáo dục. Các nhà nghiên cứu về giáo dục trên thế giới đều nhất trí rằng chất lượng của một nền giáo dục không thể vượt qua chất lượng đội ngũ giáo viên của nền giáo dục đó[1]. Trong chương trình mới, vai trò của giáo viên cũng được đánh giá trên tinh thần đó. Tuy nhiên, quan hệ giữa giáo viên với học sinh, của hoạt động dạy và học có những sự thay đổi. Giáo viên không còn là người áp đặt chân lý, nói điều gì học sinh cũng phải chấp nhận, mà giáo viên trở thành người dẫn dắt, tổ chức lớp học thực hiện các hoạt động học tập. Học sinh đóng vai trò tự chủ, năng động hơn trong việc học vì họ mới là chủ thể của quá trình học. Giáo viên phải tương tác nhiều hơn với học sinh trong quá trình dạy học. Học sinh thông qua quá trình tương tác với giáo viên, với bạn học và với xã hội sẽ dần hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực của mình.

PV: Cách đánh giá kết quả học tập cũng là một vấn đề quan trọng trong giáo dục. Hiện tại, sự đánh giá bằng điểm số và thi cử, mang nặng tính trả bài và có nhiều điều bất cập. Còn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cách đánh giá có gì khác với hiện tại thưa ông? Vai trò của giáo viên trong đánh giá kết quả học tập có thay đổi không?

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Trong chương trình mới, cả mục tiêu, nội dung và phương pháp đánh giá kết quả học tập đều thay đổi. Mục tiêu đánh giá trước hết sẽ không phải để cho điểm và xếp loại học sinh, không phải nhằm tạo ra sự cạnh tranh giữa các học sinh, giáo viên và nhà trường với nhau như hiện nay. Đánh giá là để có thêm thông tin về người học, để biết người học đang học như thế nào, nội dung dạy học và phương pháp dạy học có phù hợp hay không và lấy đó làm cơ sở để điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học. Vậy nên đánh giá chủ yếu là để cung cấp thông tin, điều chỉnh hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, nhằm cung cấp thông tin cho phụ huynh và các cấp quản lý về hoạt động của nhà trường, sau đó mới nhằm đến mục tiêu phân loại học sinh và xét tuyển. Nội dung đánh giá cũng thay đổi từ tập trung đánh giá về kiến thức sang đánh giá phẩm chất và năng lực. Muốn vậy thì phải kết hợp cả đánh giá quá trình và đánh giá định kỳ, tập trung nhiều hơn vào đánh giá quá trình. Các phẩm chất và năng lực được hình thành, phát triển và thể hiện qua cả một quá trình chứ không thể chỉ qua một bài kiểm tra, bài thi cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học. Vai trò của giáo viên trong việc đánh giá kết quả học tập cũng thay đổi. Giáo viên không còn là người duy nhất đánh giá kết quả, mà các học sinh cũng phải tự đánh giá kết quả quá trình học tập của mình, hay của bạn học trong lớp. Ở mức độ nào đó còn có sự tham gia của phụ huynh theo hình thức phù hợp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Văn hóa Nghệ An)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *