Vừa qua, nhóm chuyên gia Giáo dục của Ngân hàng Thế giới đã thực hiện ghi chép về “Nguồn vốn nhân lực Việt Nam: Thành tựu giáo dục đáng ghi nhận và những thách thức trong tương lai”. Văn bản này ghi nhận một số yếu tố tác động đến các thành tựu, đặc biệt là các chính sách đúng đắn về giáo dục và sự triển khai hiệu quả các chính sách này. Văn bản cũng đưa ra các thách thức cơ bản mà Việt Nam phải đối mặt trong tương lai.
Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trò chuyện cùng ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới
Nhân dịp này, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới đã gửi thư chúc mừng Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ về thành tựu giáo dục cơ bản của Việt Nam. Trong thư có đoạn: “Nhân dịp này, tôi muốn chúc mừng Bộ Giáo dục và Đào tạo, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo xuất sắc của ông, về những công việc mà Bộ đang thực thi nhằm giám sát việc triển khai các chương trình giáo dục trên toàn quốc. Các nhà thành lập chính sách giáo dục thế giới rất bất ngờ về thành công của giáo dục cơ bản Việt Nam, thể hiện qua thành tích cao tại các kỳ đánh giá PISA 2012 và PISA 2015, khi các em học sinh 15 tuổi của Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ thuộc nhiều nước OECD. Kinh nghiệm và các khả năng thực tiễn về cải cách chính sách giáo dục của Việt Nam trong việc triển khai các chương trình giáo dục đang được quan tâm cao độ, bằng chứng là nhiều nước đã đề nghị trao đổi kiến thức về vấn đề này”. |
Ghi chép của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh tác động mạnh mẽ từ các cam kết của Chính phủ đối với phát triển giáo dục, được hỗ trợ bởi cơ chế giải trình trách nhiệm cao và việc chi tiêu ngân sách vào đầu tư cho giáo dục cơ bản ở mức tương đối cao, với đầu vào căn bản và sự công bằng. Cùng với các yếu tố trên, còn phải kể đến sự đầu tư đáng kể của các gia đình cho giáo dục; việc thu hút và hỗ trợ giáo viên đạt chuẩn; việc đẩy mạnh đầu tư giáo dục mầm non; cũng như việc sử dụng đánh giá như một công cụ mang tính chiến lược.
Bên cạnh các chính sách tiến bộ về giáo dục, truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”
và môi trường giáo dục kỷ luật cũng góp phần không nhỏ vào thành tích của giáo dục cơ bản Việt Nam
Một số khía cạnh văn hóa cũng tác động mạnh mẽ đến thành công của giáo dục Việt Nam, chẳng hạn như truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”, kỳ vọng của cha mẹ đối với con em, hay môi trường mang tính kỷ luật cao của giáo viên và học sinh. Ghi chép cũng cho rằng trong khi một số các yếu tố làm nên sự thành công của giáo dục Việt Nam thuộc về truyền thống văn hóa, khó có thể sao chép được, thì các quốc gia trên thế giới có thể thể học hỏi rất nhiều từ các quyết sách giáo dục của Việt Nam.
Cùng với những đánh giá tích cực về thành công của giáo dục cơ bản Việt Nam thời gian qua, ghi chép của Ngân hàng Thế giới cũng phân tích các thách thức mà hệ thống giáo dục Việt Nam phải đối mặt. Thứ nhất, tiếp cận giáo dục trung học còn chưa cao và chưa công bằng. Các nhóm có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số, người dân ở các khu tái định cư, người dân thuộc các hộ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa và người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận giáo dục.
Thứ hai, mặc dù Chính phủ cam kết cải thiện chất lượng giáo dục bằng cách tăng cường thực hành giảng dạy dựa trên năng lực và cải cách chương trình và sách giáo khoa, nhưng vẫn cần có những hướng dẫn rõ ràng và tạo thuận lợi cho giáo viên giảng dạy dựa trên năng lực.
Thứ ba, khi nền kinh tế của Việt Nam phát triển, cần đầu tư nhiều hơn vào trình độ học vấn cao hơn và học cả đời, giúp người học có khả năng tốt hơn trong việc chuyển biến các kiến thức và kỹ năng nền tảng thành những kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động; Việt Nam cũng chưa có chiến lược mạnh mẽ để khắc phục vấn đề này. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được những điểm yếu này và cam kết khắc phục tiếp tục củng cố nguồn nhân lực, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế.