Tối 18/11/2017, Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Thay lời tri ân”. Hình ảnh cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể, người dân tộc H’rê, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ẵm trên tay, gây xúc động mạnh.
Đinh Văn K’Rể không may mắc hội chứng Seckel (người lùn đầu chim). Năm 2013, khi đến thôn Gò Da vận động học sinh về nội trú, thầy thầy Hiệu trưởng Đặng Văn Cương phát hiện ra em bị mẹ bỏ trong một cái bị. Thầy Cương đã dặn gia đình cứ nuôi đi, khi nào đủ tuổi đi học thì đưa xuống Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, nếu ở với thầy được một ngày thì thầy sẽ nuôi.
Sau 2 năm đến lớp trong tình yêu thương của bạn bè, thầy cô, nhất là “bố Cương”, Đinh Văn K’Rể đã có thể viết được chữ O, số 1, em cũng đã dạn dĩ hơn rất nhiều, biết nói “ạ”, biết làm một số việc cá nhân. Đặc biệt em có thể quan sát, lắng nghe và hiểu hết những vấn đề xung quanh mình.
Chia sẻ về khoảnh khắc bắt tay, bế cậu bé, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ và xúc động nhất trong cuộc đời làm thầy giáo, làm một nhà quản lý giáo dục như ông. Và, ông hẹn một ngày gần nhất sẽ đến tận nơi để thăm thầy và trò Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba.
Tôi vẫn hy vọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ giữ đúng lời hẹn với thầy trò ngôi trường xa tít ở Quảng Ngãi, lời hẹn đó có sự chứng kiến của hàng triệu khán giả xem truyền hình chương trình “Thay lời tri ân”.
Hơn nữa, hôm nay, nhân kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11,rất mong Bộ trưởng cùng các lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đặc biệt các thành viên trong Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường “vi hành” đến các nơi xa xôi, hẻo lánh,để cảm nhận sâu sắc hơn bức tranh toàn cảnh của giáo dục nước nhà.
Ở đó, là tình hình giáo viên cắm bản đang vất vả ra sao trong sự nghiệp mang con chữ đến với trẻ em vùng cao.Bao nhiêu em bé đang cần bữa cơm có thịt, áo mặc đủ ấm, ngôi trường không dột nát, để yên tâm con đường học vấn…Chắc chắn rằng, sẽ còn rất nhiều hoàn cảnh đáng được biểu dương, cổ vũ, nhiều “khoảnh khắc đáng nhớ”, như trường hợp được tiếp xúc với thầy trò cậu học trò Đinh Văn K’Rể.
Những chuyến vi hành thường xuyên đó, chắc chắn các vị, đặc biệt Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ ưu tư hơn trong việc cần ưu tiên nguồn kinh phí cho lĩnh vực nào để đưa giáo dục đất nước phát triển. Chẳng hạn, nêndùng 12.000 tỷ đồng vào việc đào tạo 9.000 tiến sĩ, hay ưu tiên nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên, cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dạy và học ở các nơi còn khó khăn trên toàn quốc.
Mong sao ông thường xuyên vi hành đến các nơi được coi là “góc khuất” của ngành giáo dục. Mong ông giữ đúng lời hẹn với thầy trò Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, Sơn Hà, Quảng Ngãi. Đặc biệt, mong ông, trong vai trò “Tổng tư lệnh” của ngành giáo dục, hãy biến lời hứa đưa nền giáo dục nước nhà thoát ra khỏi khó khăn, thành sự thật.
(thethaovanhoa.vn)