Giá nhân công rẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết, được nhà nước hỗ trợ tối đa…, những lợi thế này khiến Việt Nam, trong mắt những nhà khởi nghiệp nổi tiếng ở châu Á và thế giới, đang là miền đất hứa cho giới khởi nghiệp.
Việt Nam đang hấp dẫn giới khởi nghiệp. Ảnh: Q.N
Với mong muốn biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp, trong vài năm gần đây, Chính phủ có khá nhiều chính sách để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và các startup.
Những nhà khởi nghiệp nổi tiếng ở châu Á lẫn thế giới khi đến Việt Nam đều rất ấn tượng với phong trào khởi nghiệp ở đây. Chia sẻ tại hội thảo Đổi mới – Nền kinh tế khởi nghiệp – Cơ hội cho Việt Nam vừa diễn ra, những diễn giả nước ngoài đều cho rằng, các startup Việt Nam đang ở thời điểm vàng để khởi nghiệp.
“Startup của Việt Nam thời điểm này giống startup của châu Âu những năm 2010 – 2011, tinh thần luôn ngùn ngụt. Theo tôi, ở Việt Nam, đây là thời điểm vàng để khởi nghiệp. Công ty của tôi hoạt động trên 12 nước và tôi không thấy nơi nào thú vị như ở Việt Nam. Việt Nam đang là đất nước có thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất, như là tôi đang đến ‘Disney Land khởi nghiệp'”, Max Scheichenost, nhà sáng lập Alps Venture, đồng sáng lập hơn 15 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam và trên toàn cầu, nhận xét.
Edward Jung, nhà sáng lập và CEO Xinova, người sở hữu rất nhiều nền tảng công nghệ thông minh nổi tiếng hiện nay cũng cho rằng, các bạn trẻ ở Việt Nam đang có nhiều cơ hội được thử và cơ hội được thất bại. Tôi sẽ cực kỳ phấn khích nếu được khởi nghiệp lần nữa ở Việt Nam. Hiện tại, ở Mỹ, nếu có ý tưởng tốt cũng khó mà khởi nghiệp vì chi phí cực kỳ đắt đỏ. Ở Việt Nam không thế, do giá nhân công rất rẻ”.
Theo ông Edward Jung, khi bắt đầu khởi nghiệp, các startup đừng nên quan tâm quá nhiều đến việc sở hữu trí tuệ hay việc ý tưởng của mình có độc nhất vô nhị hay không.
Trên thế giới này có hơn 7 tỷ người, thật khó để khẳng định ý tưởng của mình là chưa ai nghĩ ra. Trong bước đầu, các startup hãy nói đến thị trường và thị phần hơn là về sở hữu trí tuệ, hãy quan tâm tới mô hình kinh doanh – business model, cách vận hành doanh nghiệp như thế nào…
Còn theo ông Max Scheichenost, Việt Nam hiện có nhiều tài năng liên quan đến công nghệ; tuy nhiên, điều đó cũng có mặt hạn chế là nhiều startup liên quan đến công nghệ quá tập trung vào công nghệ mà ít quan tâm tới nhu cầu của xã hội, tới nhu cầu thực sự của khách hàng. Mỗi tuần, các startup nên đi ra ngoài gặp gỡ khách hàng để xem sản phẩm của mình đã đáp ứng tốt nhu cầu của họ chưa.
“Bạn có thể tìm đến một startup đã thành đạt và nhờ họ cố vấn (mentor) cho mình trong 1 đến 2 lần trong một tháng. Hiện tại, một tháng tôi có 5 lần đến chia sẻ với các startup. Chúng ta nên học hỏi bằng cách chia sẻ, cả thành công lẫn thất bại, để mọi người có thể học được bài học cần thiết”, ông Max Scheichenost nói.
Trong khi đó, bà Trần Mai Hương, nhà sáng lập Coco Sin thì muốn đề cập đến nguồn lực. Theo bà Hương, các startup nên bắt đầu từ nguồn lực sẵn có của bản thân, hãy biết cách tối ưu hóa nguồn lực của mình.
“Tôi hiểu văn hóa của người Việt Nam: Luôn có tâm lý sợ chúng ta khác biệt, sợ làm khác với đám đông nhưng, khởi nghiệp là chúng ta phải đi trên con đường ngược lại. Bạn nên tìm đến những con người khác biệt, nhờ những câu hỏi hóc búa đến từ những ý kiến trái chiều đó, chúng ta mới có thể phát triển và hoàn thiện chính mình”, bà Hương cho biết.
Theo các nhà khởi nghiệp nói trên, phẩm chất quan trọng nhất của một startup chính là sự kiện định – kiên trì đến cùng tầm nhìn, mục tiêu cũng như con đường mà mình đã chọn.
Nhà sáng lập Alps Venture nhìn nhận, không chỉ ở Việt Nam, mà cả châu Á, các nhà kinh doanh và khởi nghiệp phải có trong mình DNA chấp nhận và sẵn sàng thất bại. Trong quá trình khởi nghiệp, chúng ta sẽ gặp rất nhiều lúc khó khăn: Nhân viên không tốt như kỳ vọng hay khách hàng không đoái hoài gì đến sản phẩm của mình… Những lúc như thế, các startup đừng nản lòng”.
Mặc dù, nhiều người nói Việt Nam đang rất cởi mở và nhiều cơ hội cho các startup. Nhưng theo quan điểm của tôi, startup ở đâu cũng không dễ dàng. Khởi nghiệp là một cuộc đua marathon trường kỳ, ai kiên gan nhất sẽ là người cười cuối cùng, cho dù bạn có nhận được nhiều hỗ trợ và đang sống trong hệ sinh thái tốt đến như thế nào.
Kiên định chính là một phẩm chất sống còn của một startup. kiên nhẫn với tầm nhìn và mục tiêu mà mình chọn lựa ban đầu thì mới có thể đến thời gian bùng cháy.
Hai quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi là vẫn giữ được tầm nhìn như thời điểm bắt đầu và từ chối một nhà đầu tư với số tiền đầu tư rất lớn do cảm thấy việc quản lý, vận hành của doanh nghiệp không thể đáp ứng được kỳ vọng mà nhà đầu tư mong muốn.
Những nhà khởi nghiệp này cho rằng, lĩnh vực mà họ nghĩ sẽ khởi nghiệp tại Việt Nam ở thời điể hiện tại gồm: software service – app trên smartphone – app về lifestyle; áp dụng công nghệ vào sản xuất truyền thống, tối ưu hóa một khâu trong quá trình sinh hoạt – làm việc của dân cư….
(Bài: Quỳnh Như Nguồn: Theleader.vn)