Dạy học là cái nghiệp của đời tôi

GD&TĐ – Nhận vinh dự to lớn mà Nhà nước ban tặng với danh hiệu: Nhà giáo Nhân dân, đây là niềm hạnh phúc to lớn đối với tôi – Đó là chia sẻ đầy cảm xúc của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), trong lễ phong tặng Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú của Thủ đô năm 2017.

Dạy học là cái nghiệp của đời tôi

Vượt lên hoàn cảnh

Hơn 20 năm trước, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền là một giáo viên dạy tiếng Nga trong bối cảnh bộ môn ngoại ngữ này bị thu hẹp, không phát triển nữa. Đã có lúc cô phải tham gia đảm nhiệm công việc và giảng dạy những bộ môn không thuộc chuyên ngành đào tạo của mình, nhưng cô vẫn luôn tâm huyết và làm tròn dù bất kể ở vai trò nào.

Những trăn trở với nghề được cô coi đó là “duyên nghiệp”, cùng những chất chứa bởi con đường dang dở mà người con gái của mình không thể thực hiện được đã giúp cô có thêm nghị lực để tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp trồng người.

Năm 1997, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền được ban lãnh đạo Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đặt niềm tin giao trọng trách xây dựng đề án mở Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm. Một phụ nữ đến tuổi gần về hưu, đảm nhiệm trọng trách lớn lao như thế không phải là điều dễ dàng gì. Hơn nữa bản thân cô đã nhiều năm phải một mình đối diện với căn bệnh ung thư, nhưng cô vẫn không lúc nào nguôi tâm huyết sáng tạo với sự nghiệp giáo dục.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền trải lòng: “Nhiều đồng nghiệp trẻ hay hỏi tôi, tại sao ở độ tuổi này, thậm chí mang trong mình căn bệnh nan y mà tôi vẫn không ngừng làm việc, phấn đấu và vượt lên với chính bản thân mình…? Bởi tôi là một nhà giáo, tôi coi nghề dạy học là cái nghiệp của mình và đã là nghiệp thì nó sẽ gắn bó với tôi suốt đời.

Có lẽ vì tôi yêu nghề này, nên coi đó là cái nghiệp của cuộc đời mình chứ không đơn thuần là một nghề để mưu sinh. Chính vì vậy, tất cả những tình cảm của tôi là dành cho học trò”.

Là một trong những nhà giáo tiên phong và thành công với hướng đi xây dựng một mô hình giáo dục mới trong thời kỳ đổi mới hội nhập, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền đã thực sự có những sáng tạo phù hợp với sự phát triển theo xu thế thời đại.

“Tôi dám nhận tôi là một nhà kinh doanh giáo dục nhưng kinh doanh giáo dục nó khác với tất cả những ngành kinh doanh khác. Kinh doanh giáo dục không bao giờ chạy theo lợi nhuận tối đa thì mới thành công. Vì sản phẩm của kinh doanh giáo dục không phải là một đồ vật – một cái chén, hay cái cốc để chúng ta có thể để làm hỏng được.

Kinh doanh giáo dục không cho phép chúng tôi làm hỏng sản phẩm của mình. Với tư duy như thế, tôi đã chỉ đạo hệ thống trường dân lập Đoàn Thị Điểm ưu tiên số 1 là học sinh, quyền lợi của HS phải đưa lên hàng đầu. Ưu tiên thứ hai phải là giáo viên. GV phải đủ điều kiện thì họ mới có thể thỏa sức sáng tạo”.

Tâm huyết với những đổi mới sáng tạo

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng vai trò của đội ngũ giáo viên trong việc đổi mới cải tiến mô hình giáo dục, nhà giáo Nguyễn Thị Hiền luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Hàng năm, cô cùng với BGH nhà trường trực tiếp xây dựng kế hoạch tổ chức Hội giảng 2 lần/năm, với mục đích khuyến khích giáo viên xây dựng các chuyên đề, tổ chức hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy.

Thông qua các chương trình này, các GV của trường đã tích cực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực như: dạy học theo hướng tích hợp liên môn, dạy học theo dự án… nhằm phát huy năng lực của học sinh.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền tâm sự: “Để thực hiện tốt được điều này, nhà trường luôn chú trọng đến các hoạt động ngoại khoá, hoạt động trải nghiệm sáng tạo: Ngoài việc chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của ngành, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Bộ GD&ĐT, tôi đã chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để hình thành nhân cách đạo đức cho học sinh, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và đào tạo nhân tài.

Đặc biệt tôi luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá phong phú và thiết thực cho các con học sinh; Tăng cường tiết dạy các môn năng khiếu, tổ chức các câu lạc bộ; diễn đàn “Hội vui học tập”; Tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ; thi kéo co, cờ vua, cờ tướng, bóng đá, bơi lội và nhiều cuộc thi trí lực khác cho học sinh, thông qua đó để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và đào tạo nhân tài. Bên cạnh đó, tôi cùng với Ban giám hiệu tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo để rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng làm việc cá nhân, kĩ năng làm việc nhóm cho học sinh”.

Từ tháng 9/2016, Quần thể Giáo dục sinh thái Đoàn Thị Điểm – Long Long (rộng khoảng 3 héc-ta) là nơi triển khai các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh đã đi vào hoạt động. Đây là một nỗ lực rất lớn của Ban lãnh đạo nhà trường trong việc đẩy mạnh hoạt động dạy học theo mô hình quốc tế, đào tạo thế hệ công dân toàn cầu.

Cách thức tổ chức dạy học mang tính đổi mới, đột phá của nhà trường đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo cha mẹ học sinh và được xã hội đánh giá cao.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Với mục tiêu giáo dục toàn diện, tiếp thu những kinh nghiệm giáo dục tiên tiến trên thế giới và chuẩn bị hành trang cho học sinh trở thành công dân toàn cầu, hằng năm nhà trường tổ chức cho học sinh sang các trường bạn để giao lưu đồng thời đón nhiều đoàn học sinh của các nước đến tham quan học tập.

Thông qua giao lưu quốc tế đã giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và có khả năng giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ, trau dồi vốn sống và mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Chúng tôi cũng chủ động mời chuyên gia từ Úc, Mỹ về trường tập huấn cho giáo viên các phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại như: Phương pháp dạy học trải nghiệm, dạy học tiếp cận với mô hình STEM; Kĩ thuật KWL, khăn trải bàn, phương pháp “Bàn tay nặn bột”…

Khi nhận được danh hiệu Nhà giáo Nhân dân điều đầu tiên tôi nghĩ tới: Công sức của tôi chỉ là một phần thôi và công sức của tập thể đội ngũ GV của nhà trường mới là quan trọng. Tôi luôn cảm thấy mình chỉ là một giọt nước trong biển cả bao la. Nếu tôi không có họ thì tôi không bao giờ thành công.

Tôi cũng rất may mắn vì nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý giáo dục từ Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT đã tạo điều kiện để tôi có thể thực hiện được ý tưởng sáng tạo trong công cuộc đổi mới giáo dục.

(Báo giáo dục thời đại)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *